THÔNG TIN CHUNG VỀ ĐẤT NƯỚC THỤY SĨ
Tên chính thức | Swiss Confederation (Liên bang Thụy Sĩ) |
Diện tích | 41.285 km² |
Thủ đô | Bern |
Thành phố lớn nhất | Zurich |
Chế độ chính trị | Mô hình nhà nước liên bang. Cấu trúc nhà nước liên bang được phân thành ba cấp gồm: chính quyền liên bang (confederation), chính quyền bang (canton) và chính quyền xã (commune). |
Dân số | 8.825.536 người (09/01/2024) |
Ngôn ngữ chính thức | Tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý, và tiếng Romansh |
Múi giờ | UTC+1 (CET)
Mùa hè (DST) UTC+2 (CEST) |
Đơn vị tiền tệ | Swiss Franc, 1 CHF = 28.670 VNĐ (10/01/2024) |
Nếu bạn đang lên kế hoạch cho một chuyến du lịch Thụy Sĩ, du học Thụy Sĩ hoặc đơn giản là chỉ muốn biết thêm về đất nước tuyệt vời này, chúng tôi đã tổng hợp tất cả thông tin về Thụy Sĩ mà bạn cần biết.
Với tổng diện tích 41.285 km², đất nước Thụy Sĩ chỉ nhỏ bằng 1/8 so với Việt Nam, và chỉ gần bằng diện tích bang New Jersey của Mỹ. Phần lớn diện tích Thụy Sĩ là đồi núi và cao nguyên, chỉ riêng dãy Alps chiếm đến khoảng 65% diện tích đất nước. Dân số Thụy Sĩ rất khiêm tốn, chỉ khoảng 8,8 triệu người, thế nhưng, Thụy Sĩ lại nằm trong top 20 quốc gia có nền kinh tế lớn mạnh nhất trên thế giới.
Thụy Sĩ là quốc gia không giáp biển nằm trên ngã tư đường của Châu Âu, phía bắc giáp Đức, phía nam giáp Ý, phía tây giáp Pháp, giáp Áo cùng Liechtenstein về phía đông. Nước này thường xuyên dẫn đầu một vài số liệu về thành tựu quốc gia, bao gồm tính minh bạch chính phủ, tự do dân sự, chất lượng sinh hoạt, tính cạnh tranh kinh tế và phát triển con người.
Theo Educations Media Group, Thụy Sĩ được xếp hạng trong top 10 điểm đến học tập tốt nhất thế giới. Các lý do hàng đầu để sinh viên chọn du học Thụy Sĩ gồm có: sinh viên muốn đạt được mục tiêu nghề nghiệp của mình; để phát triển bản thân; trải nghiệm một nền văn hóa hoặc lối sống mới; tiếp cận nền giáo dục chất lượng cao với phương pháp giảng dạy độc đáo; có một cuộc phiêu lưu mới; để kết bạn mới hoặc mở rộng mạng lưới kết nối nghề nghiệp của bản thân; học một ngôn ngữ mới.
Thuỵ Sĩ là quốc gia trung lập
Thụy Sĩ là một quốc gia trung lập được biết đến nhiều nhất trên thế giới, dù trong quá khứ họ nổi tiếng với những đội quân đánh thuê thiện chiến nhất Châu Âu. Trong nhiều thế kỷ, quốc gia này đã tuân thủ chính sách trung lập về vũ trang trong các vấn đề toàn cầu. Tuy không phải là quốc gia trung lập duy nhất trên thế giới nhưng đây vẫn là quốc gia trung lập lâu đời nhất và được kính trọng nhất.
Suốt hơn 5 thế kỷ Thụy Sĩ gần như đứng ngoài mọi cuộc chiến, kể cả hai cuộc Chiến tranh Thế giới. Vào năm 1815, Thụy Sĩ chính thức được công nhận là một quốc gia trung lập vĩnh viễn. Mặc dù có vị thế trung lập lâu đời nhưng Thụy Sĩ vẫn duy trì lực lượng quân đội cho mục đích quốc phòng, yêu cầu tất cả nam giới trong độ tuổi từ 18-34 thực hiện nghĩa vụ quân sự bán thời gian.
Nhờ vị thế trung lập, nhiều tổ chức quốc tế lớn đã chọn đặt trụ sở tại Thụy Sĩ như Liên Hợp Quốc, Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)… Các tổ chức thường chọn Thụy Sĩ để ký kết các hiệp ước, nghị định, tổ chức các hội nghị, diễn đàn. Đặc biệt, trạng thái trung lập là bệ phóng cho ngành ngân hàng Thụy Sĩ phát triển và đạt danh tiếng như ngày nay. Thụy Sĩ vẫn là trung tâm số 1 thế giới giữ tiền cho các tài phiệt và giới nhà giàu, chiếm 1/4 tổng số tài sản toàn cầu.
Ngày Quốc khánh Thụy Sĩ
Quốc khánh Thụy Sĩ (Swiss National Day) là ngày lễ quốc gia của Thụy Sĩ, được ấn định vào ngày 1 tháng 8. Nó có những tên gọi chính thức khác nhau: Schweizer Bundesfeier (tiếng Đức), Fête Nationale Suisse (tiếng Pháp), Festa Nazionale Svizzera (tiếng Ý) và Fiasta naziunala Svizra (tiếng Romansh).
Thụy Sĩ là quốc gia trung lập, vì vậy ở đất nước này Quốc khánh không phải là ngày Độc lập mà nó gắn liền với Hiến chương Liên bang năm 1291, trong đó ba bang là Uri, Schwyz và Unterwalden đã ký một hiệp ước liên minh hỗ trợ lẫn nhau chống lại Đế chế Habsburg ngày càng hùng mạnh. Liên minh này đánh dấu sự khởi đầu rất sớm của cái mà ngày nay chúng ta gọi là Confoederatio Helvetica (Liên bang Thụy Sĩ).
Tuy nhiên, bất chấp nguồn gốc (rất) sớm này, phải mất một thời gian dài người Thụy Sĩ mới dành cho mình một ngày nghỉ để kỷ niệm ngày Quốc khánh của chính họ. Phải tới năm 1994, Schweizer Bundesfeier cuối cùng mới được coi là ngày nghỉ lễ trên toàn đất nước Thụy Sĩ.
Thụy Sĩ nổi tiếng vì điều gì?
Từ địa danh đến xuất khẩu, Thụy Sĩ nổi tiếng với rất nhiều thứ. Điều này bao gồm:
- Socola Thụy Sĩ: Lindt, Nestlé, Milka, Toblerone…
- Phô mai Thụy Sĩ: Emmental và Gruyère, fondue và raclette
- Đồng hồ Thụy Sĩ: Rolex, Omega, Swatch, TAG Heuer…
- Dao quân đội Thụy Sĩ: được sản xuất từ năm 1897
- Dãy Alps: với những ngọn núi tuyết tuyệt đẹp Matterhorn, Jungfrau, Eiger
- Trượt tuyết: tại những khu nghỉ mát nổi tiếng như St. Moritz và Zermatt
- Các chuyến tàu ngắm cảnh: như Glacier Express và Bernina Express
Ý NGHĨA TÊN GỌI CỦA ĐẤT NƯỚC THỤY SĨ
Bạn có biết nguồn gốc của chữ viết tắt CH – tên miền internet cấp cao nhất của Thụy Sĩ và nhãn dán bắt buộc phải có trên tất cả các xe ô tô của Thụy Sĩ? CH có nghĩa là gì và tại sao chúng ta có thể đọc HELVETIA trên tiền xu và tem bưu chính Thụy Sĩ? Tại sao Sz và SUI đôi khi được sử dụng làm tên viết tắt của Thụy Sĩ?
Ngôn ngữ | Tên chính thức | Tên rút gọn | Tên viết tắt |
Tiếng Đức | Schweizerische Eidgenossenschaft | Schweiz | Sz |
Tiếng Pháp | Confédération Suisse | Suisse | SUI |
Tiếng Ý | Confederazione Svizzera | Svizzera | |
Tiếng Romansh | Confederaziun Svizzer | Svizra | |
Tiếng Anh | Swiss Confederation | Switzerland | |
Tiếng Latin | Confoederatio Helvetica | Helvetia | CH |
Ý nghĩa của Eidgenossenschaft là gì?
Trong tiếng Đức, Thụy Sĩ chủ yếu được nhắc đến bằng Schweiz (và schweizerisch cho người Thụy Sĩ), nhưng những người Đức gốc Thụy Sĩ thích cái tên chính thức Schweizerische Eidgenossenschaft (và eidgenössisch cho người Thụy Sĩ). Thuật ngữ tiếng Đức Eidgenonssenschaft/eidgenössisch trên thực tế chỉ được sử dụng ở Thụy Sĩ, nó được ghép từ các từ Eid (có nghĩa là lời thề) và Genossenschaft (có nghĩa là hiệp hội hợp tác hoặc cùng có lợi), vì vậy tên tiếng Đức chính thức của Thụy Sĩ Schweizerische Eidgenossenschaft đề cập đến sự khởi đầu huyền thoại của đất nước với lời thề tại Rütli.
Nguồn gốc tên hiện đại của Thụy Sĩ
Schweiz, Suisse, Svizzera, Svizra, Switzerland, Suiza, Svizrija… chỉ là một vài bản phiên âm bằng các ngôn ngữ khác nhau của Schwyz, từng là bang đứng đầu trong ba bang sáng lập nên vùng lãnh thổ quốc gia vào năm 1291.
Chữ viết tắt dựa trên tên hiện đại của Thụy Sĩ
- SUI [Suisse] (thể thao), có lẽ chữ viết tắt bằng tiếng Pháp này xuất phát từ việc ngôn ngữ chính thức đầu tiên của Ủy ban Olympic là tiếng Pháp
- Sz [Schweiz] (thỉnh thoảng được thấy trên các đài truyền hình Đức)
Helvetia (CH)
Để tránh thiên vị bất kỳ một ngôn ngữ nào trong bốn ngôn ngữ của đất nước, tiền xu, hóa đơn và tem bưu chính của Thụy Sĩ sử dụng thuật ngữ Latin Helvetia. Helvetia cũng là nhân vật nữ mang tính biểu tượng (tương tự như Nữ thần Tự do của Hoa Kỳ) xuất hiện từ cuối những năm 1600 và cũng được khắc họa trên số một số đồng xu Thụy Sĩ.
Confoederatio Helvetica (Helvetic Confederation) là tên đầy đủ của quốc gia theo tiếng Latin. Cái tên đó có nguồn gốc từ người Celtic Helvetii, những người đầu tiên đến khu vực này vào khoảng năm 100 trước Công nguyên. Helvetia cũng là tên La Mã của khu vực ngày nay là miền tây Thụy Sĩ. Chữ viết tắt quốc tế của Thụy Sĩ, CH, cũng xuất phát từ tiếng Latin Confoederatio Helvetica.
Thụy Sĩ hiện đại
Thụy Sĩ hiện đại đã duy trì thái độ trung lập bằng cách từ chối gia nhập Liên minh Châu Âu hoặc sử dụng đồng tiền Euro. Đồng franc Thụy Sĩ (CHF) đã được sử dụng từ năm 1850. Là một trong những loại tiền tệ mạnh nhất thế giới, 1 CHF từ lâu đã duy trì giá trị cao hơn 1 đô la Mỹ (USD).
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH NƯỚC THỤY SĨ
Thụy Sĩ như chúng ta biết ngày nay đã phát triển chậm rãi qua nhiều thế kỷ, dần dần hình thành từ một vùng lãnh thổ chắp vá.
Lịch sử sơ khai
Năm 58 trước Công Nguyên: Helvetii, một cư dân bộ tộc Celtic ở nơi ngày nay là Thụy Sĩ, bị quân đoàn La Mã dưới sự chỉ huy của Julius Caesar chặn lại khi cố gắng di cư vào miền Tây nước Pháp.
Năm 15 trước Công Nguyên: Quân đoàn của Augustus chinh phục bộ lạc Rhaeti trên núi cao ở vùng ngày nay là miền đông Thụy Sĩ. Trong những năm tiếp theo, toàn bộ lãnh thổ Thụy Sĩ được sáp nhập vào Đế quốc La Mã.
400-1000: Sự kết thúc của sự cai trị của người La Mã và sự xâm nhập của các bộ tộc người Đức kéo theo thời kỳ thường được gọi là Thời Trung cổ. Trong một khoảng thời gian ngắn khoảng năm 800, Charlemagne cai trị phần lớn Tây Âu, bao gồm cả Thụy Sĩ, nhưng đế chế của ông lại nhanh chóng tan rã. Một chế độ phong kiến phát triển. Các tu viện duy trì di sản cổ điển của việc học tiếng Latinh và phát triển các phương pháp nông nghiệp mới.
Thời Trung cổ
1291: Ngày truyền thống thành lập Liên bang Thụy Sĩ: ba cộng đồng nông thôn Uri, Schwyz và Unterwalden ở miền trung Thụy Sĩ cam kết thành lập một liên minh lâu dài để bảo vệ các quyền tự do của họ trước các lãnh chúa Habsburg. Liên minh này được xác lập bằng việc ký kết một văn kiện mà sau này được biết đến với tên gọi Hiến chương Liên bang. Lời thề thần thoại Rütli được cho là diễn ra vào năm 1307 nhưng không được đề cập trong văn bản cho đến năm 1470.
1307: Theo truyền thuyết, William Tell bị thống đốc Habsburg ép bắn một quả táo trên đầu con trai mình. Việc Tell giết chết thống đốc sau đó đã trở thành một phần huyền thoại về sự thành lập Liên bang.
1513: Thụy Sĩ giai đoạn đầu thành lập gồm 13 bang.
Các cuộc cải cách
1523: Cuộc cải cách ở Zurich, do Huldrych Zwingli lãnh đạo. Zwingli bị giết trong trận chiến chống lại quân Công giáo từ miền trung Thụy Sĩ vào năm 1531.
1536: Cuộc cải cách ở Geneva, do người tị nạn tôn giáo người Pháp Jean Calvin lãnh đạo, người có học thuyết nghiêm khắc đã ảnh hưởng đến các nhà thờ Tin Lành ở nhiều quốc gia khác.
1618-48: Chiến tranh 30 năm tàn phá phần lớn Châu Âu, nhưng Thụy Sĩ vẫn giữ thái độ trung lập. Graubünden, lúc này không phải là thành viên của Liên minh, là chiến trường giữa quân đội Pháp và Áo-Tây Ban Nha vì tầm quan trọng chiến lược của nó.
1648: Hiệp ước Westphalia chấm dứt chiến tranh 30 năm; Các cường quốc Châu Âu chính thức công nhận nền độc lập của Thụy Sĩ.
Nhà nước liên bang
1798: Thụy Sĩ ngày nay bị quân đội cách mạng Pháp chiếm đóng và các trận chiến diễn ra trên đất Thụy Sĩ liên quan đến quân đội Áo và Nga. Cộng hòa Helvetic, một nước cộng hòa nghị viện tập trung dựa trên mô hình của Pháp, được thành lập với sự hậu thuẫn của Pháp.
1803: “Đạo luật hòa giải” của Napoléon khôi phục phần lớn hệ thống bang cũ sau khi Cộng hòa Helvetic tỏ ra không thể hoạt động được.
1815: Nền độc lập và trung lập của Thụy Sĩ được Quốc hội Vienna công nhận.
1848: Thành lập nhà nước Liên bang Thụy Sĩ, với hiến pháp mới và nghị viện liên bang.
1863: Doanh nhân người Anh Thomas Cook tổ chức chuyến du lịch “trọn gói” đầu tiên tới Thụy Sĩ – đó là sự khởi đầu của ngành du lịch hiện đại.
Thế kỷ 20
1914: Thụy Sĩ giữ thái độ trung lập trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất.
1939: Thụy Sĩ vẫn giữ thái độ trung lập trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
1963: Thụy Sĩ gia nhập Ủy hội Châu Âu.
1971: Thụy Sĩ trao quyền tuyển cử cho nữ giới.
1979: Một số khu vực của bang Bern giành được độc lập và hình thành bang Jura.
1989: Người dân và các bang bỏ phiếu tán thành thay đổi hoàn toàn Hiến pháp Liên bang.
2002: Thụy Sĩ trở thành thành viên đầy đủ của Liên Hợp Quốc.
Thụy Sĩ là một thành viên sáng lập của Hiệp hội Mậu dịch tự do Châu Âu, song không phải là thành viên của Khu vực Kinh tế Châu Âu. Tuy nằm ở trung tâm khu vực nhưng Thụy Sĩ không phải là thành viên của Liên minh Châu Âu. Dù vậy, pháp luật Thụy Sĩ dần được điều chỉnh để phù hợp với pháp luật Liên minh Châu Âu, và chính phủ đã ký kết một số thỏa thuận song phương với tổ chức này. Cho đến nay, Liên minh Châu Âu vẫn là một đối tác kinh tế quan trọng của đất nước Thụy Sĩ.
2005: Thụy Sĩ tham gia Hiệp ước Schengen.
CỜ THỤY SĨ VÀ Ý NGHĨA QUỐC KỲ CỦA ĐẤT NƯỚC THỤY SĨ
Cờ Thụy Sĩ hình vuông, nền màu đỏ với một chữ thập màu trắng nằm ngay trung tâm lá cờ. Bốn nhánh của chữ thập có chiều dài bằng nhau và không mở rộng ra đến tận mép lá cờ. Đây là một trong những lá cờ dễ nhận biết nhất trên thế giới, vì chỉ có Vatican và Thụy Sĩ là hai quốc gia có chủ quyền duy nhất được Liên Hợp Quốc công nhận sử dụng cờ hình vuông thay vì chữ nhật. Nó cũng ngược màu với cờ chính thức của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế.
Lá cờ đỏ chữ thập trắng được công nhận là quốc kỳ Thụy Sĩ vào năm 1889, theo quyết định của Hội đồng Liên bang.
Theo Worldatlas, nguồn gốc của lá cờ đỏ với chữ thập trắng bắt nguồn từ trận chiến Laupen ở bang Bern năm 1339. Để phân biệt quân mình với quân địch trên chiến trường, binh lính Thụy Sĩ đã khâu một cây thánh giá màu trắng lên áo giáp. Vào năm 1815, người Thụy Sĩ đã tạo ra một lá cờ với phần nền màu đỏ, hình thập tự trắng nổi bật ở giữa. Khi đó, dấu hiệu hình chữ thập trên áo giáp, vũ khí của binh sĩ là hình vuông, nên họ đã lấy luôn hình vuông để tạo thành hình cho lá cờ. Cho đến sau này, Thụy Sĩ vẫn giữ nguyên thiết kế nhằm thể hiện sự tôn vinh với quá khứ.
Quốc kỳ Thụy Sĩ theo truyền thống tượng trưng cho tự do, danh dự và lòng trung thành. Trong thời hiện đại, thông qua sự liên kết với chính sách nhất quán của Thụy Sĩ, lá cờ cũng mang ý nghĩa trung lập, dân chủ, hòa bình và nơi trú ẩn.
Trên thực tế, không phải lúc nào lá cờ Thụy Sĩ cũng là hình vuông. Vào các kỳ Olympic, quốc kỳ Thụy Sĩ sẽ tung bay trong gió dưới hình dạng chữ nhật. Lý do là Ủy ban Olympic Quốc tế yêu cầu quốc kỳ của mọi quốc gia phải có cùng kích thước. Lá cờ hình vuông từng khiến Thụy Sĩ gặp rắc rối khi gia nhập Liên Hợp Quốc vào năm 2002, vì tất cả quốc kỳ được treo ở trụ sở phải có cùng kích thước. Hiện nay, cờ dân sự được các tổ chức phi chính phủ sử dụng hoặc treo trên các con tàu có thể biến tấu thành hình chữ nhật với tỷ lệ 2:3.
NƯỚC THỤY SĨ CÓ BAO NHIÊU BANG?
Thụy Sĩ là một quốc gia liên bang bao gồm 26 bang. Mỗi bang (canton) có quyền tự trị rất cao, với hiến pháp, chính phủ và có tòa án riêng. Các bang đều có cơ quan lập pháp đơn viện. Tùy theo mỗi bang, số lượng nghị viên có thể từ 58 tới 200 người. Tùy theo diện tích và dân số mà chức năng hành chính phân cấp cho mỗi bang sẽ khác nhau.
Mỗi bang được chia ra thành nhiều huyện (đơn vị hành chính giữa bang và xã). Tuy nhiên, có 12 bang không có đơn vị hành chính huyện.
Mỗi bang đều có nền văn hóa, tập quán truyền thống, ẩm thực, cờ và thậm chí cả những ngày lễ riêng. Tên của mỗi bang có chữ viết tắt gồm hai chữ cái (ví dụ Zurich = ZH) cũng như huy hiệu, cả hai đều có hình trên biển số xe ô tô.
Danh sách các bang của Thụy Sĩ
Bang / Viết tắt | Thủ phủ | Ngôn ngữ chính thức |
Aargau (AG) | Aarau | Đức |
Appenzell Ausserrhoden (AR) | Herisau / Trogen | Đức |
Appenzell Innerrhoden (AI) | Appenzell | Đức |
Basel-Stadt (BS) | Basel | Đức |
Basel-Landschaft (BL) | Liestal | Đức |
Bern (BE) | Bern | Đức, Pháp |
Fribourg (FR) | Fribourg | Pháp, Đức |
Genève (GE) | Genève | Pháp |
Glarus (GL) | Glarus | Đức |
Graubünden (GR) | Chur | Đức, Romansh, Ý |
Jura (JU) | Delémont | Pháp |
Luzern (LU) | Luzern | Đức |
Neuchâtel (NE) | Neuchâtel | Pháp |
Nidwalden (NW) | Stans | Đức |
Obwalden (OW) | Sarnen | Đức |
Schaffhausen (SH) | Schaffhausen | Đức |
Schwyz (SZ) | Schwyz | Đức |
Solothurn (SO) | Solothurn | Đức |
Sankt Gallen (SG) | St. Gallen | Đức |
Thurgau (TG) | Frauenfeld / Weinfelden | Đức |
Ticino (TI) | Bellinzona | Ý |
Uri (UR) | Altdorf | Đức |
Valais (VS) | Sion | Pháp, Đức |
Vaud (VD) | Lausanne | Pháp |
Zug (ZG) | Zug | Đức |
Zürich (ZH) | Zürich | Đức |
CÁC THÀNH PHỐ LỚN CỦA THỤY SĨ
Gần 3/4 người dân Thụy Sĩ sống trong hoặc xung quanh các trung tâm đô thị. Đất nước này có nhiều thành phố nhỏ hơn là những thành phố lớn (quy mô dân số trên 100.000 người). Hầu hết các thành phố của Thụy Sĩ đều nằm gần các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết hoặc ở những nơi có cảnh đẹp tự nhiên tráng lệ
Zurich
Zurich nằm trên hồ cùng tên ở phía bắc miền trung Thụy Sĩ, cách biên giới Đức 24 km. Tiếng Đức là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trong thành phố.
Zurich là một trong những trung tâm tài chính lớn trên thế giới, mặc dù nhỏ hơn nhiều so với các đối thủ trong lĩnh vực này như New York, London, Singapore và Hong Kong. ABB, UBS, Credit Suisse, Swiss Re, Zürich Financial Services có trụ sở chính tại thành phố và đây là một trong những thành phố nổi bật nhất toàn cầu khi nói đến ngành tài sản tư nhân.
Zurich cũng là nơi đặt Sở giao dịch chứng khoán Thụy Sĩ và là địa điểm hàng đầu thế giới về giao dịch vàng. Ngoài tài chính, Zurich nắm giữ thế mạnh công nghiệp trong các lĩnh vực như công nghiệp nhẹ, công nghiệp máy móc, dệt may và du lịch. Thành phố này nổi tiếng với môi trường an toàn, sạch sẽ, mang lại chất lượng cuộc sống cao. Nó cũng được đánh giá cao về chất lượng giáo dục, với Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ và Đại học Zürich được coi là một trong những cơ sở giáo dục đại học tốt nhất trên thế giới.
Geneva
Geneva được xem là một thành phố chính trị và ngoại giao, với Công ước Geneva là hiệp ước đặt ra các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế về đối xử nhân đạo trong chiến tranh. Thành phố nằm ở phía tây Thụy Sĩ, gần biên giới Pháp (tiếng Pháp là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất ở đó). Giống như Zurich, Geneva nổi tiếng với chất lượng cuộc sống ấn tượng và nền giáo dục.
Geneva là nơi “đóng đô” của nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có tổng hành dinh Châu Âu của Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới và Hội Chữ thập đỏ.
Ngoài chính trị, Geneva còn là một thành phố toàn cầu quan trọng về dịch vụ tài chính, đặc biệt là quản lý tài sản tư nhân và buôn bán hàng hóa (chủ yếu là cà phê, điện, ngũ cốc, dầu, thép và đường). Các thế mạnh công nghiệp khác của thành phố là chế tạo đồng hồ, mỹ phẩm, phần mềm, tổ chức sự kiện, du lịch và nông nghiệp.
Basel
Nằm ở mũi phía bắc của Thụy Sĩ gần biên giới Đức và trên sông Rhine, Basel nổi tiếng với các trường đại học (là nơi lâu đời nhất trong nước) và các bảo tàng. Vì thế, du lịch đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Basel. Tuy nhiên, giống như các thành phố quan trọng khác của Thụy Sĩ, tài chính là ngành quan trọng nhất, với Ngân hàng Thanh toán Quốc tế có trụ sở ở Basel.
Basel là trung tâm công nghiệp dược và hóa chất quốc gia, là nơi đặt trụ sở chính cho những công ty như Novartis, Roche và Lonza. Các ngành công nghiệp chủ chốt khác là nông nghiệp (đặc biệt là sản xuất lâm nghiệp hoặc gỗ), truyền thông, du lịch hàng không (Swiss International Air Lines nằm ở ngoại ô thành phố), hội chợ thương mại và sản xuất. Tiếng Đức là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất ở Basel.
Bern
Thủ đô trên thực tế của Thụy Sĩ, Bern, là thành phố đông dân thứ tư cả nước, nơi có khu phố cổ được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và được xếp hạng trong số 10 thành phố có chất lượng cuộc sống tốt nhất toàn cầu. Nơi đây có nền giáo dục được đánh giá cao, với các trường nổi tiếng là Đại học Bern và Đại học Khoa học Ứng dụng Bern.
Là thủ đô, Bern là trung tâm của các dịch vụ chính phủ quốc gia. Ngoài khu vực công, nền kinh tế của Bern phụ thuộc vào bán lẻ, dịch vụ tài chính, nông nghiệp, du lịch, sản xuất, xây dựng, khoa học đời sống và chăm sóc sức khỏe.
Bern nằm ở trung tâm phía tây Thụy Sĩ, nằm giữa Zurich và Geneva. Tiếng Đức là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trong thành phố.
Lausanne
Lausanne nằm bên bờ hồ Geneva ở phía tây Thụy Sĩ, gần biên giới nước Pháp. Cũng như các thành phố lớn khác của Thụy Sĩ, nền kinh tế của thành phố phụ thuộc vào ngành dịch vụ tài chính, nhưng các thế mạnh khác là sản xuất, vận tải, CNTT, công nghệ sinh học và bán lẻ. Lausanne được coi là một trong những địa điểm phát triển nhanh nhất ở Thụy Sĩ.
Thành phố nằm giữa một vùng sản xuất rượu vang và là nơi quy tụ nhiều trường đại học cấp quốc tế, điển hình là Đại học Lausanne và trường Hospitality lâu đời nhất thế giới – EHL Hospitality Business School.